Trong Phần I của chuỗi bài cải tạo nhà cũ, Nhà Vuông đã chia sẻ cùng bạn về tầm quan trọng của việc khoá một chủ đề chính cho ngôi nhà, cũng như hướng dẫn cách tạo một bảng sở thích để bạn có thể chuẩn bị cho một kế hoạch tổng thể trước khi bắt tay vào cải tạo căn nhà. Trong bài này, Nhà Vuông sẽ giúp bạn tìm hiểu một số nguyên tắc thiết kế nội thất cơ bản để bạn có thể thiết kế căn phòng của mình đạt được tiềm năng tối đa.
Tầm quan trọng của thiết kế nội thất:
Cảm giác khi bạn bước vào một căn phòng: ấm áp hay lạnh lẽo, hấp dẫn hay buồn tẻ …, tất cả đều phụ thuộc vào cách bạn sắp xếp đồ vật trong phòng và phong cách thiết kế của nó. Các nhà thiết kế nội thất giỏi có thể hình dung được chính xác cách khắc phục khu vực bên trong và khu vực bên ngoài bằng cách sử dụng các nguyên tắc thiết kế mà họ đã được học và nghiên cứu, tương tự như một người kế toán khi nhìn thấy một bộ số liệu và có thể nhận ra ngay vấn đề. Nếu không có hiểu biết cơ bản về các nguyên tắc thiết kế chính, có thể bạn sẽ phải vật lộn rất lâu với công cuộc tân trang nhà cửa của chính mình.
Các nguyên tắc thiết kế nội thất cơ bản:
Ở đây, Nhà Vuông sẽ chỉ liệt kê những nguyên tắc thiết kế nội thất ở cấp cơ bản và dễ hiểu nhất mà bạn cần phải biết có thể tự tay sắp xếp nội thất cho căn nhà của mình.
1. Quy mô và tỷ lệ:
Khái niệm này thường được dùng để mô tả sự liên quan giữa hai vật thể trong cùng một căn phòng. Ví dụ như bàn cà phê phải dài bằng 2/3 so với ghế sofa.
Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người thường mắc phải, đó là chọn đồ nội thất quá lớn hoặc quá nhỏ so với căn phòng của họ. Theo nguyên tắc chung, các phòng lớn cần đồ nội thất lớn để cố định không gian. Trong khi đó, các phòng nhỏ lại cần đồ đạc nhỏ hơn để không khiến người sử dụng cảm thấy ngột ngạt và chật chội.
Một ví dụ khác là tỷ lệ của một tác phẩm nghệ thuật bên trên một đồ nội thất hay trên đầu giường của bạn. Hãy đặt kích thước của tác phẩm nghệ thuật này bằng một nửa hoặc hai phần ba chiều rộng của đồ nội thất hay của chiếc giường bên dưới tác phẩm đó.
Khi suy nghĩ về quy mô của căn phòng, bạn hãy nhớ chú ý đến cả không gian âm - tức là không gian mà bạn không để đồ. Bạn nên để lại đủ không gian xung quanh đồ đạc của mình để mọi người có thể tự do di chuyển quanh căn phòng mà không bị vấp ngã.
Một mẹo nhỏ cho nguyên tắc này là hãy chọn đồ nội thất chính của căn phòng trước, ví dụ như ghế sofa trong phòng khách, để tạo tiền đề cho quy mô của tất cả các đồ nội thất khác trong căn phòng. Sau đó bạn mới sắp xếp đến các vật dụng khác như bàn cà phê, ghế, thảm, cửa sổ, tranh treo tường, … Bạn có thể di chuyển và thử nghiệm các vị trí khác nhau của các đồ vật cho đến khi bạn cảm thấy mọi thứ phối hợp với nhau một cách hài hoà và đẹp mắt.
2. Sự cân bằng thị giác:
Nguyên tắc này nói về cách sắp xếp của các đồ vật bên trong căn phòng và màu sắc của chúng để trông hài hoà với nhau thông qua tính đối xứng và không đối xứng.
Một ví dụ về thiết kế “đối xứng” là trong phòng ngủ, nơi có giường cùng với hai tab đầu giường ở hai bên, có thể thêm hai đèn ngủ giống hệt nhau ở trên hai tab đầu giường đó.
Thiết kế “bất đối xứng” là cách bạn tạo ra một cái nhìn cân đối trong một căn phòng với các vật dụng khác biệt nhưng vẫn duy trì được sự gắn kết. Nó có thể được tạo ra bằng cách sử dụng các vật phẩm có cùng tông màu hoặc có cùng chiều cao.
Để cho dễ tưởng tượng, bạn hãy nghĩ đến việc cân bằng một chiếc ghế sofa quá khổ với một vài chiếc ghế ở bên kia chiếc bàn. Hoặc bạn cũng có thể kê một chiếc ghế sofa với một chiếc đèn cao ở một bên và một chiếc bàn với một đống sách ở bên kia.
Điều quan trọng cần lưu ý là thiết kế đối xứng có thể phù hợp với phòng ngủ với nhưng lại có thể khá nhàm chán với phòng khách. Trong phòng khách, có thể bạn sẽ muốn một kiểu cân bằng khác, một cái gì đó mang đến cảm giác thân mật và sống động hơn.
Lúc này bạn nên biết đến khái niệm “trọng lượng thị giác”. Khi thêm đồ hoặc sắp xếp lại không gian, hãy tính đến trọng lượng hình ảnh. Hãy tưởng tượng căn phòng luôn nằm trên một thanh cân bằng, và bạn không nên dồn tất cả các đồ nội thất chỉ về một phía. Không có quy tắc chung cho khái niệm này. Bạn cần rèn luyện con mắt của mình để biết rằng khi nào mọi thứ cảm thấy cân bằng.
Sắp xếp các phụ kiện trang trí của bạn theo nhóm số lẻ (thường là 3 hoặc 5) cũng là một cách hay khi sử dụng thiết kế không đối xứng. Mẹo nhỏ là hãy xem hình ảnh của những căn phòng bạn mà yêu thích và cố gắng tìm ra cách mà nhà thiết kế nội thất đã thực hiện thành công nguyên tắc thiết kế này.
3. Tạo điểm nhấn trong thiết kế:
Bạn sẽ không muốn bước vào một căn phòng mà nhìn thấy ngay đống đồ bẩn của mình cất nơi góc phòng. Tuy nhiên, nếu đó là thứ chi phối trực quan của một căn phòng, thì đó lại chính là nơi mà cặp mắt mắt của bạn sẽ rơi vào.
Khi đã biết điều này, bạn cần phải chọn cẩn thận những thứ mà bạn muốn nhấn mạnh vào, ví dụ như một chiếc đèn chùm khổng lồ, một cửa sổ lớn tuyệt đẹp nhìn ra khu vườn, hay một tác phẩm nghệ thuật lớn... Bạn có thể tạo ra được điều này thông qua một kích thước phù hợp, một màu sắc đậm tương phản, hay một hình dạng thú vị - thứ gì đó sẽ chiếm ưu thế về mặt thị giác.
4. Sự thống nhất và hoà hợp:
Đây là mục tiêu chính của việc thiết kế nội thất. Hãy nghĩ về ngôi nhà của bạn như một tổng thể với một loạt các không gian được liên kết với nhau bằng hành lang, lối đi, cửa ra vào và cầu thang. Công việc của bạn là tạo ra một cảm giác thống nhất cho ngôi nhà đó. Có nhiều cách để làm điều này, nhưng hãy bắt đầu bằng việc chọn một phong cách hoặc một chủ đề tổng thể cho ngôi nhà của bạn: hamptons, bờ biển, du mục, đồng quê …, và tiếp tục điều đó cho toàn bộ không gian trong nhà của bạn.
Một cách khá phổ biến và đơn giản để tạo ra sự thống nhất là thông qua màu sắc. Bạn có thể chọn một bảng màu - có thể là 3 hoặc 4 màu - và sử dụng những màu đó cho toàn bộ ngôi nhà của bạn.
Khi bạn bước vào một không gian và có được cảm giác thoải mái và yên bình, bạn sẽ biết được rằng mình đã đạt được sự hòa hợp.
5. Nhịp điệu và sự lặp lại:
Nhịp điệu và sự lặp lại là quá trình tạo ra sự chuyển động và hài hòa trong không gian của bạn với các mẫu, màu sắc, kết cấu, hình thức, hình dạng và đường nét được lặp lại trong suốt không gian của bạn. Một ví dụ về cách đạt được nhịp điệu là sử dụng một tấm thảm nhiều màu sắc trên sàn nhà của bạn. Chọn màu sắc của tấm thảm và tái tạo màu sắc đó trên đệm và bức tranh của bạn. Việc lặp đi lặp lại như vậy sẽ giúp bạn đưa mắt đi khắp phòng.
Sau khi đọc xong bài này, có thể bạn sẽ muốn chuyển sang các trang web như Pinterest hoặc Houzz để bắt đầu nghiên cứu một số nguyên tắc thiết kế này, xem chúng diễn ra như thế nào trong cuộc sống thực.